Năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; hoàn thành các quy hoạch ngành Quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh cải cách hành chính tiếp tục được Bộ GTVT triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Việc thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; triển khai thu phí điện tử không dừng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đổi mới phương thức quản lý hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Về công tác giải ngân, Bộ GTVT đã giải ngân được gần 96% kế hoạch được giao, tiếp tục đứng trong tốp các Bộ, ngành giải ngân cao so với mức trung bình chung cả nước. Công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án đang triển khai thi công được chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, Bộ GTVT đã khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 22 dự án. Các công trình giao thông trọng điểm Quốc gia, dự án cơ bản hoàn thành đáp ứng yêu cầu, chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư. Bộ GTVT cùng với các Bộ, Ngành và địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả trong hoạt động vận tải, công tác bảo đảm trật tự ATGT; đồng thời xiết chặt công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe...
Năm 2023, Bộ GTVT đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải đảm bảo tính minh bạch, tính nhất quán, tính ổn định; tập trung phục hồi hoạt động vận tải; phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch đầu tư phát triển được Chính phủ giao; bảo đảm trật tự ATGT, tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả ba tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2022.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Ngành GTVT đã đạt được trong năm 2022. Về nhiệm vụ năm 2023, đồng chí yêu cầu: Ngành GTVT cần nỗ lực để tiếp tục triển khai và hoàn thành sớm các dự án quan trọng, trọng điểm Quốc gia. Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phối hợp thực hiện. Đồng thời nhanh chóng rà soát hành lang pháp lý đảm bảo thông thoáng, tránh sự chồng chéo, khó khăn. Với những sai phạm, tiêu cực đã xảy ra trong công tác đăng kiểm, Thủ tướng yêu cầu ngành cần nghiêm túc chấn chỉnh, tuyệt đối không để tái diễn, tránh gây thất thoát và mất niềm tin ở nhân dân. Bên cạnh đó, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng với phương châm "vừa làm vừa tháo gỡ". Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đồng chí mong muốn ngành GTVT và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, chủ động vượt khó vươn lên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Nguyễn Thanh Hải đề nghị: Sở GTVT tiếp thu các nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VTVT để đề xuất những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, trọng điểm của ngành cần thực hiện trong năm 2023. Trong đó Sở GTVT cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan làm tốt công tác quy hoạch của ngành gắn với quy hoạch của tỉnh. Ngành GTVT tỉnh cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để tập trung đôn đốc, triển khai các dự án trọng điểm về giao thông; bố trí nguồn vốn cụ thể để xây dựng đường giao thông nông thôn; tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác đảm bảo TTATGT năm 2023; tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về ATGT; rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bổ sung các biển báo giao thông, làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển hoạt động giao thông vận tải cả đường bộ, đường thủy và đường sắt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.
(Toàn cảnh Hội nghị)